I. THÔNG TIN CHUNG:

1. Khách thể:

19 tình nguyện viên từ 23-54 tuổi gồm 09 nam 10 nữ tham gia và hoàn tất nghiên cứu.

2. Biện pháp can thiệp: 

Tập luyện mô thể thao thân-tâm KiDao thông qua hình thức lớp học trực tuyến trong 02 tháng.
+ Tần suất tập: 45 phút mỗi lần và 5 lần/tuần bằng cách tham gia tập KiDao trên lớp dạy trực tuyến từ 5h30 đến 6h15 sáng thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Tuy nhiên,nghiên cứu không kiểm soát được tần suất tập của khách thể. Điểm danh tự động trên hệ thống MentorLinks cho thấy số lượng tham gia lớp học các thành viên lớp – bao gồm 19 khách thể – trung bình từ 2-3 buổi/tuần, còn tần suất tập trung bình theo dữ liệu tự báo cáo của 19 TNV là khoảng 4 buổi/tuần.
+ Tổng thời lượng: như vậy, tổng thời lượng tập trung bình của mỗi TNV sau hai tháng là khoảng 24 tiếng đồng hồ.

3. Phương pháp thí nghiệm:

Tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện bài trắc nghiệm tự đánh giá DASS-18 về ba mức độ Căng thẳng [stress], Lo âu [anxiety], và Trầm uất [depression] qua hình thức trả lời trực tuyến các câu hỏi trắc nghiệm trước và sau hai tháng tập luyện KiDao.

4. Giả thuyết nghiên cứu:

Phương pháp thở KiDao tiếp cận cả hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm và nhờ vậy giúp người tập có thể cân bằng về sức khỏe tinh thần. Ba yếu tố về sức khỏe tinh thần Căng thẳng, Lo âu và Trầm uất có thể đo lường để thể hiện khả năng ảnh hưởng tích cực cho người tập luyện KiDao thường xuyên.

II. PHÂN TÍCH SỐ LIỆU:

1. Mức độ Căng thẳng [stress]:

Căng thẳng là những phản ứng sinh lý và tâm lý chung của sinh vật trước những nguồn gây căng thẳng cả nội tại lẫn ngoại tại. Đặc trưng của căng thẳng là những phản ứng chiếm ưu thế của hệ thần kinh giao cảm, và những cảm xúc, suy nghĩ có tính chiến-hay-biến (cơ chế hoạt động đánh lại hay bỏ chạy). Mức căng thẳng cao và kéo dài có những ảnh hưởng tiêu cực tới hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể, và làm giảm sự an lạc tinh thần. Những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu căng thẳng bao gồm việc chuyển đổi nhận thức, cũng như thư giãn cơ thể.
Kết quả thí nghiệm cho thấy điểm số trung bình trên thang đo căng thẳng của 19 khách thể giảm 41% sau hai tháng tập luyện KiDao.

2. Mức độ Lo âu [anxiety]:

Lo âu là một phản ứng cảm xúc đặc trưng bởi sự e sợ và sự kích thích của hệ thần kinh giao cảm khi một người dự kiến trước những hiểm nguy, tai họa hoặc điều bất hạnh sắp xảy ra. Lo âu thường hướng tới tương lai, và kéo dài khi tình huống vẫn còn mơ hồ, và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nhận thức như: ý tưởng, quan niệm, kinh nghiệm quá khứ, khả năng tự điều hòa v.v… của người trong cuộc. Những biện pháp giảm thiểu lo âu hiệu quả bao gồm điều chỉnh nhận thức hướng đến sự tích cực và giải pháp, gia tăng các nguồn lực trong cuộc sống, gia tăng các trải nghiệm thành công, thư giãn cơ thể và chánh niệm.
Kết quả thí nghiệm cho thấy điểm số trung bình trên thang đo lo âu của 19 khách thể giảm 30% sau hai tháng tập luyện KiDao.

3. Mức độ Trầm uất [depression]:

Trầm uất là một trạng thái cảm xúc – tâm trạng có tính tiêu cực, bao gồm nhiều biểu hiện thể chất, tâm lý và xã hội khác nhau với các mức độ từ yếu đến mạnh như: nỗi buồn mãnh liệt, sự bi quan, sự chán chường, thiếu năng lượng và động lực, khó tập trung, khó ra quyết định, tránh né các tương tác xã hội, thay đổi thói quen ăn uống và nhịp ngủ – thức v.v… Ở mức độ nặng, trạng thái này là đặc trưng cho chứng trầm cảm. Những biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho trạng thái này bao gồm điều chỉnh nhận thức, điều hòa cảm xúc, cung cấp những trợ lực xã hội, và các bài tập luyện chánh niệm.
Kết quả thí nghiệm cho thấy điểm số trung bình trên thang đo trầm uất của 19 khách thể giảm 43% sau hai tháng tập luyện KiDao.

4. Kiểm chứng thống kê:

Áp dụng phương pháp kiểm chứng thống kê bằng giá trị p [p-value], sự thay đổi của cả ba chỉ số nói trên đều có ý nghĩa thống kê với điều kiện p<0.1. Đây là mức độ chấp nhận được với một nghiên cứu thí điểm với số lượng khách thể còn ít và tần suất tập luyện KiDao của các khách thể chưa được kiểm soát chặt chẽ như trong các thí nghiệm bài bản.

III. KẾT LUẬN

Tuy thí nghiệm không kiểm soát được tần suất tập KiDao của khách thể như trong môi trường thí nghiệm bài bản, kết quả vẫn có ý nghĩa thống kê, và cho thấy sau hai tháng tập KiDao với tần suất trung bình từ 3-4 buổi 45 phút/tuần, ba mức độ đo lường về sự Căng thẳng, Lo âu và Trầm uất của các khách thể đều có sự cải thiện theo chiều hướng giảm khá rõ rệt. Điều này phù hợp với giả thuyết nghiên cứu.
Để giải thích cho kết quả này, nhóm tác giả có một số giả thuyết như sau: việc tập KiDao có tác dụng:
(1) Điều hòa cân bằng lại hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Trong mỗi nhịp thở KiDao, hai hơi hít vào tiếp cận hệ thần kinh giao cảm và hơi thở ra dài tiếp cận hệ thần kinh đối giao cảm. Điều này tác động trực tiếp đến mức độ Căng thẳng và phản ứng thể chất của sự Lo âu;
(2) Tăng cường sự giải phóng của các dẫn xuất thần kinh như dopamine, noradrenalin, acetylcholine, endorphin, serotonin, và GABA nhờ vào hiệu ứng của các bài tập luyện cơ, cardio, và thư giãn có tính chánh niệm. Điều này tác động đến những yếu tố cảm xúc của sự Lo âu và Trầm uất;
(3) Tạo ra các kinh nghiệm thành công, tích cực khi hoàn thành được bài tập mỗi sáng sớm cùng cộng đồng KiDao, song song với cảm giác thành tựu khi nhìn nhận được sự cải thiện về cơ thể và sức khỏe thể chất của bản thân. Điều này tác động đến những yếu tố nhận thức của cả sự Căng thẳng, Lo âu và Trầm uất;
Kết quả nghiên cứu với những giả thuyết nói trên tạo động lực và xác định một số phương hướng để xây dựng những đề án nghiên cứu khoa học bài bản hơn cho KiDao sắp tới cho cả sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.