Năm 1938, Nghiên cứu Harvard về Sự phát triển của Người trưởng thành đã bắt đầu nghiên cứu con người từ khi họ là thanh thiếu niên đến tận lúc tuổi già để xem điều gì khiến mọi người hạnh phúc và khỏe mạnh. Đây có lẽ là nghiên cứu lâu nhất về cuộc đời của người trưởng thành từng được thực hiện.
Điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh xuyên suốt cuộc đời? Nếu bạn đang định đầu tư ngay bây giờ vào phiên bản tương lai tốt nhất của mình, bạn sẽ đặt thời gian và tâm sức ở đâu? Một cuộc khảo sát gần đây về thế hệ trẻ để hỏi mục tiêu quan trọng nhất trong đời họ là gì và hơn 80% nói rằng mục tiêu chính là làm giàu. Và 50% khác trong số những con người trẻ tuổi đó nói rằng một mục tiêu chính khác trong cuộc đời là trở nên nổi tiếng. Và chúng ta liên tục được nhắc nhở phải làm việc, phải cố hơn nữa và đạt được nhiều hơn nữa. Chúng ta có ấn tượng rằng đó chính là những thứ cần theo đuổi để có một cuộc sống tốt… Nhưng câu trả lời bên dưới sẽ không liên quan đến những mục tiêu đã kể trên.
Trong 85 năm, họ đã theo dõi cuộc đời của 724 người đàn ông, được chia thành hai nhóm người. Nhóm đầu tiên bắt đầu cuộc nghiên cứu khi họ là sinh viên năm thứ hai của Đại học Harvard. Họ đều tốt nghiệp đại học trong thời Thế chiến II, đa số đã nhập ngũ. Và nhóm thứ hai mà chúng tôi theo dõi là nhóm những cậu bé đến từ những vùng lân cận nghèo nhất của Boston, những cậu bé được chọn cho cuộc nghiên cứu cụ thể hơn vì họ đến từ những gia đình khó khăn và thiệt thòi nhất của Boston vào những năm 1930.
Những nghiên cứu như thế này rất hiếm. Hầu hết những dự án như thế này đều sụp đổ trong khoảng một thập kỷ bởi vì quá nhiều người bỏ nghiên cứu, hoặc quỹ cho nghiên cứu cạn kiệt, hoặc những nhà nghiên cứu bị phân tâm, hoặc họ qua đời, và không ai tiếp tục nghiên cứu. Nhưng qua sự kết hợp của may mắn và sự bền bỉ của một vài thế hệ các nhà nghiên cứu, nghiên cứu này vẫn tồn tại. Khoảng 60 trong số 724 người ban đầu vẫn còn sống, và vẫn tham gia vào nghiên cứu này, hầu hết họ đã trên 90 tuổi. Và họ đã bắt đầu nghiên cứu hơn 2.000 đứa con cháu của những người đàn ông này.
Vậy thì sau cuộc nghiên cứu kéo dài hàng chục năm như thế đưa ra được kết luận gì?
Đó không phải về sự giàu có hay sự nổi tiếng hay làm việc cật lực hơn và hơn nữa. Thông điệp rõ nhất mà chúng ta nhận được qua cuộc nghiên cứu 75 năm này là: Những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn.
Họ đã tìm ra khoảng 30 năm trước về mối liên hệ đáng kinh ngạc giữa các mối quan hệ ấm áp, cách chúng ta cảm nhận về cuộc sống của mình, và sự thật rằng những mối quan hệ tốt đẹp dường như giúp mọi người mạnh mẽ hơn về thể chất và đồng thời giúp não bộ sắc bén hơn. Sau đó những nghiên cứu khác cũng dần tìm ra kết luận tương tự: con người ít trầm cảm hơn, ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường và tim mạch, khỏi bệnh nhanh hơn khi họ có mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
Vậy thì làm thế nào mà những mối quan hệ đó thực sự vào cơ thể và định hình sức khỏe con người?
Một trong những học thuyết hay nhất mà hiện có vài bằng chứng tương đối hợp lý, được dựa trên ý niệm về sự căng thẳng. Như chúng ta đã biết, căng thẳng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Căng thẳng xảy đến với chúng ta hàng ngày. Và điều chúng tôi phát hiện ra là những mối quan hệ tốt là những cơ chế điều chỉnh căng thẳng. Giả sử một việc gì đó khó chịu xảy ra với bạn trong ngày, và chính bản thân bạn nghiền ngẫm, suy tư về nó và buồn rầu. Bạn sẽ nhận thấy cơ thể mình rơi vào thứ mà ta gọi là phản ứng chiến-hay-chạy, tức là tim đập nhanh và bắt đầu đổ một chút mồ hôi và đơn giản là bạn cảm thấy không khỏe. Bây giờ, điều mà chúng ta phải làm là quay về trạng thái cân bằng khi tác nhân gây căng thẳng biến mất. Đó là cách hoạt động thông thường của cơ thể. Nhưng sẽ ra sao nếu về nhà sau một ngày rầu rĩ và có ai đó để tâm sự cùng? Bạn có thể gọi điện cho ai đó hoặc đó là người sống cùng với bạn. Bạn sẽ thực sự cảm nhận được cơ thể mình dịu lại. Nhưng nếu bạn về nhà nhưng không gặp ai thì sao? Nếu như không có ai mà tôi có thể gọi thì sao?
Điều mà các nhà nghiên cứu nhận ra là những người mà cô lập, cô đơn không có các cơ chế điều chỉnh áp lực mà ta có được từ những mối quan hệ tốt và rằng chúng ta sẽ mắc kẹt trong trạng thái chiến-hay-chạy lâu dài. Điều này dẫn đến việc cơ thể sẽ chịu những áp lực dai dẳng này, các mức độ kích động kéo dài và các hóc-môn căng thẳng lưu thông làm hao mòn hạnh phúc của chúng ta và phá vỡ các hệ thống cơ thể khác nhau.
​​Robert Waldinger, giám đốc nghiên cứu, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, cho biết: “Phát hiện đáng ngạc nhiên là các mối quan hệ và mức độ hạnh phúc của chúng ta trong các mối quan hệ cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe. Chăm sóc cơ thể của bạn là quan trọng, nhưng chăm sóc các mối quan hệ của bạn cũng là một hình thức chăm sóc bản thân. Tôi nghĩ đó chính là sự khám phá”.
Vậy, những kiểu quan hệ có vẻ cần thiết đối với hạnh phúc của chúng ta là gì?
Đó chính là có ít nhất một người trong cuộc sống, người mà bạn thật sự cảm thấy họ ủng hộ bạn, người mà bạn có thể tìm tới nếu bạn gặp rắc rối. Khi những người tham gia nghiên cứu bước sang tuổi 80, nhìn lại của cuộc đời mình và được hỏi về điều gì họ tự hào nhất, phần lớn mọi người đều chia sẻ về những mối quan hệ của họ. Họ không nói “Tôi đã kiếm rất nhiều tiền” hay “Tôi thắng nhiều giải thưởng lớn.” Họ nói “Tôi là một cố vấn tốt”, “Tôi là một người bạn tốt,” “Tôi đã nuôi nấng những đứa trẻ khỏe mạnh,” “Tôi là một người bạn đời tốt”. Đó là điều cần thiết để duy trì hạnh phúc và sức khỏe của chúng ta.
Robert Waldinger cũng chia sẻ 3 bài học lớn về những mối quan hệ:
Bài học thứ nhất là những mối quan hệ xã hội rất tốt đối với chúng ta, và sự cô đơn thì giết ta. Thật ra là những người kết nối nhiều hơn với gia đình, với bạn bè, với cộng đồng sẽ hạnh phúc hơn, họ sẽ khỏe mạnh hơn về thể chất và sống lâu hơn so với những người ít kết nối. Và trải nghiệm của sự cô đơn hóa ra lại độc hại. Những người hay xa lánh người khác hơn thường cảm thấy họ ít hạnh phúc hơn, sức khỏe của họ sút giảm sớm hơn trong thời trung niên, Chức năng não của họ cũng sút giảm sớm hơn và họ sống cuộc đời ngắn ngủi hơn những người không cô đơn. Và sự thật đáng buồn là ở bất kì thời điểm nào, hơn một người trong số năm người Mỹ bảo rằng họ đang cô đơn. “Sự cô đơn mạnh mẽ như hút thuốc hoặc nghiện rượu”, ông nói.
Bài học thứ hai mà chúng ta học được là không phải là số lượng bạn bè bạn có, và cũng không phải việc bạn có ở trong một mối quan hệ tận tâm hay không, mà chính là chất lượng của mối quan hệ gần gũi của bạn mới đáng quan trọng.
Và bài học lớn thứ ba chúng ta học về những mối quan hệ và sức khỏe chúng ta là những mối quan hệ tốt đẹp không chỉ bảo vệ cơ thể ta, mà còn bảo vệ não của ta nữa. Những người ở trong mối quan hệ mà họ cảm thấy có thể tin cậy được đối phương khi cần, trí nhớ của họ sẽ lâu hơn. Và những người ở trong mối quan hệ mà họ không tin tưởng được người khác, họ là những người bị giảm trí nhớ sớm. Và những mối quan hệ tốt đó, chúng không nhất thiết phải luôn suôn sẻ. Một số cặp 80 tuổi có thể cãi nhau chuyện vặt vãnh ngày này qua ngày khác, nhưng chừng nào họ còn cảm thấy tin tưởng được đối phương khi gặp khó khăn thì những cuộc cãi nhau đó không hề ảnh hưởng xấu đến trí nhớ của họ.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, quá trình lão hóa bắt đầu từ khi sinh ra, vì vậy mọi người nên bắt đầu chăm sóc bản thân ở mọi giai đoạn của cuộc đời. “Lão hóa là một quá trình liên tục. Bạn sẽ thấy mọi người có thể có quỹ đạo sức khỏe khác nhau ở độ tuổi 30, do đó, bằng cách chăm sóc bản thân tốt ngay từ đầu, bạn sẽ đi vào con đường lão hóa tốt hơn. Lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra là ‘Hãy chăm sóc cơ thể của bạn như thể bạn sẽ cần nó trong 100 năm’, bởi vì bạn có thể làm được như vậy”, Waldinger nói.
Trong bộ phim tài liệu Sống đến 100: Bí mật của “Vùng Xanh” (Live to 100: Secrets of the Blue Zones) cũng đề cập đến 1 trong 4 bí mật của việc sống trường thọ là SỰ KẾT NỐI. Kết nối với người khác thường xuyên nhất có thể. Bất kể tuổi tác, mọi người trong vùng xanh đều hình thành những kết nối thực sự với các thành viên trong cộng đồng của họ. Đó là điểm chung quan trọng nhất giữa tất cả các vùng màu xanh và có thể là bí quyết có ảnh hưởng lớn nhất đến tuổi thọ. Ở Okinawa, một số người già thành lập “moais”, hay nhóm bạn hàng xóm, gặp nhau thường xuyên và hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
💌 Đó cũng chính là lý do vì sao KiDao có những dịp retreat và tất niên mỗi năm, cũng như hẹn hò tập luyện mà còn chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Cuộc sống tốt được xây dựng từ những mối quan hệ tốt.