Suy nghĩ quyết định nhận thức, cảm xúc trước vấn đề. Sau đó dẫn đến quyết định hành động hay hành vi ứng xử. Nhưng ‘thứ gì’ kiểm soát thông tin mà tất cả các giác quan của bạn thu thập rồi tạo ra suy nghĩ? Đó chính là TƯ DUY.

Nhưng tư duy là gì mà thời gian gần đây các quảng cáo đào tạo có vẻ lạm dụng nó như từ ‘Nano’ cách đây hơn mười năm?

Tư duy là những tin tưởng cốt lõi mà bạn có được từ trải nghiệm hoặc hấp thụ từ người xung quanh. Ví dụ người có thời gian tương tác với bạn nhiều nhất trong thời gian bạn lớn lên. Nó hình thành những bộ lọc và diễn giải thông tin tự động nằm trong vô thức của bạn. Nó như những dòng code trong hệ điều hành con người bạn.

‘Nếu thông tin (nghe, thấy,…) là … thì nó có nghĩa là …’

Dòng code này giúp bạn không cần phải bỏ thời gian đánh giá lại thông tin. Đây là cơ chế bảo tồn năng lượng mặc định của não bộ. Thay vào đó là đưa ra lời diễn giải vào não qua dòng suy nghĩ nhanh; từ đó dẫn đến nhận thức rồi cảm xúc của bạn. Vì bộ lọc tự động này nằm trong vô thức của bạn. Thay đổi không hề dễ dàng nhưng chúng lại chính là thứ tạo nên suy nghĩ của bạn.   

Điều mà bạn có thể không ngờ đó là cơ thể bạn lúc nào cũng lắng nghe những suy nghĩ ấy và có những phản ứng hay thay đổi tích cực cũng như tiêu cực mà phần lớn bạn không ý thức được điều ấy. 

Một số nghiên cứu khoa học được thiết kế để minh chứng điều này.

Hiệu ứng giả dược là trạng thái cơ thể (tâm lý và thể chất) mà giới y dược biết từ lâu [ref. 1].

Nhiều NCKH đã chứng minh điều này khi cho bệnh nhân viên thuốc giả và nói đó là thuốc trị bệnh tốt cho căn bệnh đó, sau một thời gian ngắn thì hỏi bệnh nhân có bớt không. Bệnh nhân báo là thuốc hiệu quả và đỡ bệnh tuy đó chỉ là viên bột được nén theo dạng viên thuốc chứ nó không có bất kỳ một hóa chất nào có dược tính. Niềm tin tạo nên điểm mù trong tư duy gọi là thiên kiến xác định, nghe điều muốn nghe, thấy điều muốn thấy do đó bệnh nhân cảm thấy bệnh tình được cải thiện.

NCKH trên một số phụ nữ làm công việc dọn phòng khách sạn [ref. 2]. 

Một nhóm (control group) được bảo là nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khỏe của họ trong một tháng. Còn nhóm kia thì được giải thích những hoạt động như lau chùi phòng tắm, hút bụi, làm phòng là những hoạt động tương đương với thể dục tốt cho sức khỏe.  Một tháng sau, nhóm có kiến thức công việc của họ tốt cho sức khỏe thì tất cả các chỉ số sức khỏe đều tốt hơn kể cả giảm cân so với nhóm kia dù hoạt động thể chất của hai nhóm đều như nhau. Sự khác biệt chỉ trong nhận thức công việc mà thôi.

NCKH khi cho hai nhóm ăn cùng một loại kem [ref. 3].

Một nhóm được cho biết là họ ăn kem giàu calo như được gia tăng lượng chất béo, v.v. Nhóm kia thì được cho biết họ ăn loại kem giảm cân, ít chất béo, đường không calo, v.v. Sau khi ăn thì họ được xét nghiệm nồng độ hóc môn. Kết quả cho thấy nồng độ hóc môn leptin làm nhóm ăn kem ‘giàu calo’ có cảm giác no tăng cao. Trong khi nhóm ăn kem ‘giảm béo’ thì nồng độ hóc môn ghrelin làm người có cảm giác đói tăng cao. Điều này cho thấy cơ thể phản ứng theo nhận thức chứ không chỉ do sinh học.

Do đó hãy cẩn thận với điều bạn suy nghĩ. Vì nếu bạn nghĩ rằng đời này công bằng hay bất công với bạn thì cả hai đều đúng. Và cơ thể của bạn sẽ thay đổi để thích nghi. Còn nhiều NCKH khác chưa nêu ở đây nhưng các bạn thích thú với NCKH có thể truy từ nguồn này [ref. 4].

KiDao tận dụng sự tương tác giữa ý thức với cơ thể này để phát triển sức mạnh và sự dẻo dai của cơ bắp trong phần tập cơ. Và chính những tương tác này giúp não bộ xây dựng những kết nối nơron mới giúp thể lực của người tập ngày càng tiến bộ hơn.

Thế điều ngược lại thì sao? Hành động thể chất có thể làm thay đổi suy nghĩ của con người không?

Tôi xin đưa ví dụ đã có chia sẻ trong sách Cha Voi. Vì bị tự kỷ nên Taki không hiểu cảm xúc của người khác và thường hành xử theo sở thích. Lúc trẻ Taki nhiều lần hành xử như ‘đã không biết vâng lời mà còn thách thức quyền lực làm cha của tôi!’. Phản ứng bình thường trước những hành xử đấy là giận điên người. Mỗi lần như thế tôi vào phòng vệ sinh hít thở sâu để làm dịu cơn giận trước khi ra nói chuyện với con. Mọi người có thể nhận ra khi mình giận thì tim đập nhanh và hơi thở gấp. Khi ý thức thở chậm lại thì cảm xúc giận lắng xuống. Trung tâm chức năng cao ở não ngoài kết nối với hệ thần kinh tự chủ điều tiết hơi thở thông qua sợi nơron kết nối với trung tâm xử lý cảm xúc của não. Do đó điều tiết hơi thở giúp con người điều tiết cảm xúc của mình.

Khi phát triển KiDao cười tôi có nêu kết quả NCKH cho thấy khi cười giả hay thật trong 1 phút thì cơ thể con người sẽ tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện cảm xúc, và giảm căng thẳng, v.v. Đó cũng chính là nền tảng cho Yoga cười.  Điều khác biệt giữa hai phương pháp cười thì KiDao cười còn tận dụng cơ chế hoạt động của hệ hô hấp để gia tăng chức năng hô hấp của phổi.

Ảnh tác dụng của Kidao cười

Tương tự như cười, NCKH còn cho thấy nếu con người có những động tác mở đầy năng lượng và tự tin (power poses) thì não bộ sẽ diễn giải như thật và từ đó dẫn đến những cảm xúc thật [ref. 5]. 

TÌNH HUỐNG:

Tôi có làm một thí nghiệm nhỏ với một em sinh viên. Trước phỏng vấn vòng cuối cho việc làm ở một công ty lớn và trong lịch phỏng vấn cuối cùng sẽ gặp TGD công ty trong 15 phút. Em lo lắng, sợ hãi và không tự tin vì em còn chưa ra trường. Em tìm tôi nhờ hướng dẫn và cho lời khuyên. Trong trang phục phỏng vấn, tôi bảo em đứng trước gương nhìn vào đó vài phút. Hãy nghĩ mình đang là Trưởng phòng đang trao đổi với TGD một vấn đề quan trọng cho phát triển của công ty. Chẳng những thế còn tranh luận bảo vệ quan điểm của mình trước TGD.

KẾT QUẢ:

Sau phỏng vấn em nhắn tin cảm ơn. Em báo rằng vừa xong phỏng vấn thì TGD đã cho ý kiến muốn em bắt đầu làm việc toàn thời gian vào đầu tháng. Với lương khá hậu cho một sinh viên năm cuối chưa ra trường. Tôi không biết em sinh viên ứng xử trước TGD như thế nào. Nhưng kết quả cho thấy em đã gây ấn tượng tốt! Hoàn toàn khác với lúc em mới gặp tôi với nét mặt đầy lo lắng và kém tự tin. Và đó là kết quả của việc chỉ đứng ở một tư thế tự tin và tưởng tượng mình đang ở một vị trí quan trọng của công ty đã thay đổi hoàn toàn tâm thế và trạng thái tinh thần của em.

***

KiDao cũng tận dụng sự kết nối thể chất này đến trạng thái tâm lý của người tập. Nếu bạn có tập KiDao và để ý sẽ thấy các động tác KiDao đều giúp cơ thể mở ra. Điều này giúp người tập có vóc dáng tự tin và đầy năng lượng. Những động tác này khi kết hợp hơi thở sẽ có tác động tích cực lên trạng thái tâm lý. Đó là điều mà các bạn tập KiDao có thể không để ý đến.  

Tôi xin chia sẻ một sự kiện trong phim ‘Dumb and Dumber’ do Jim Carey đóng vai chính. Khi người đàn bà nói rằng xác suất chỉ 1 phần triệu cô ta mới chấp nhận đi chơi với anh ta. Jim trả lời ‘Vậy là cô nói tôi có cơ hội, đúng không?’.

Nếu người mà bạn thích nói với bạn cũng câu nói đó thì bạn nghĩ gì?

***

KẾT LUẬN

Bài viết này nêu tầm quan trọng của tư duy trong việc kiểm soát suy nghĩ. Cuộc sống với muôn vàn sự kiện lúc nào cũng xảy ra xung quanh ta. Chúng chỉ là một sự kiện. Nhưng khi chúng ta bắt đầu dán cho chúng cái nhãn đúng/sai thì nó sẽ kích hoạt hàng loạt những biến đổi trong cơ thể. Ví dụ như trạng thái tâm lý, phản ứng sinh học,… Từ đó dẫn đến thái độ tích cực hay tiêu cực của ta trước sự kiện đó. Lúc bấy giờ thái độ có thể là người bạn đồng hành hay kẻ thù của bạn. Bạn chọn.  

Một lần nữa, tư duy là thứ tạo ra suy nghĩ trong đầu bạn. Vậy bạn có thể dùng suy nghĩ để thay đổi tư duy, thứ tạo ra nó không?  Nó không đơn giản như bạn nghĩ. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể thay đổi tư duy sau khi học một khóa học ngắn hạn nào đó thì bạn đọc lại phần hiệu ứng giả dược ở trên nhé! 

Chúc các bạn có một tuần mới vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Nếu cảm thấy thiếu năng lượng thì gia nhập nhóm FB KiDao và đăng ký học do chính tôi hướng dẫn.

Trương Nguyện Thành

REFERENCES

1) Ernst, Edzard. “Placebo: new insights into an old enigma.” Drug discovery today 12.9-10 (2007): 413-418. https://doi.org/10.1016/j.drudis.2007.03.007

2) Crum, Alia J., and Ellen J. Langer. “Mind-set matters: Exercise and the placebo effect.” Psychological science 18.2 (2007): 165-171. https://doi.org/10.1111/j.1467-9280.2007.01867.x 

3) Crum, A. J., Corbin, W. R., Brownell, K. D., & Salovey, P. (2011). Mind over milkshakes: Mindsets, not just nutrients, determine ghrelin response. Health Psychology, 30(4), 424–429. https://doi.org/10.1037/a0023467

4) Bertollo, Maurizio, Marika Berchicci, and Selenia di Fronso. “Mind-Body Interaction in Sport Psychophysiology.” Sport, Exercise and Performance Psychology: Research Directions To Advance the Field (2021).

5) Amy Cuddy TED Talk – Fake it Till You Make it. https://youtu.be/RVmMeMcGc0Y